top of page

ĐỒNG BÀO.

"Nhà cung cấp nói giá chỉ nhích nhẹ, sao người dân TP.HCM mua 2kg khổ qua 105.000 đồng?" (Tuổi Trẻ Online).


"Hàng siêu thị bị gom số lượng lớn để bán ra ngoài" (Vnexpress).


Gian thương nghĩ bụng: “Những lúc dầu sôi lửa bỏng như này không trục lợi thì còn đợi đến bao giờ?”.


Tào Phi đợi mãi Tháo mới chịu băng hà để Phi kế vị. Lên ngôi rồi thì lại xốn mắt bởi ông em Tào Thực vì sợ sẽ có ngày ông nhõi đánh bã tiếm ngôi. Hơn nữa cũng bởi kém em mình cái khoản thả cóc thành thơ mà Phi đâm ghét Thực. Nhưng cũng nhờ anh em họ Tào gấu ó nhau mà ngày nay ta có “Thất bộ thi” 七步詩 (bài thơ 7 bước) thưởng lãm. Phi lệnh cho Thực sau 7 bước (七步 – thất bộ) đi phải làm được một bài thơ nếu không sẽ đưa về chung với Tháo. Thực, tuy rất thương cha, nhưng nào đã muốn đoàn viên sớm. Chưa kể yêu cầu của ông anh lớ ngớ thế nào lại đúng ngay tài lẻ của Thực - sao phải ngại? Thực vừa bước vừa nhả ngọc, phun châu:


煮 (Chử) 豆 (đậu) 燃 (nhiên) 豆 (đậu) 萁 (ki), 豆 (Đậu) 在 (tại) 釜 (phủ) 中 (trung) 泣(khấp)。 本 (Bản) 是 (thị) 同 (đồng) 根 (căn) 生 (sinh), 相 (Tương) 煎 (tiên) 何 (hà) 太 (thái) 急 (cấp)?


Cụ Phan Kế Bính nhà mình chuyển ngữ rất hay:

"Nấu đậu đốt cành đậu, Đậu ở trong nồi khóc. Vốn sinh cùng một gốc, Sao nỡ đốt thiêu nhau?".


Bài có 6 câu nhưng La Quán Trung, lúc ngồi phịa Tam Quốc Diễn Nghĩa, thấy rườm rà quá bỏ đi 2 thành ra dị bản 4 câu này và đây cũng là bản lưu truyền rộng rãi nhất.


Cũng nhờ bài thơ nấu đậu trên mà Thực được Phi tha vì ít ra giữa họ còn chút tình huynh đệ, còn nghĩa đồng bào.


Thời Tây Sơn, hai cụ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cũng có lúc hục hoặc với nhau vì quyền bính. Căng đến độ cụ Huệ đem quân vây thành cụ Nhạc. Đến đây người người tưởng lại có nồi chè đậu rất to phiên bản Việt lưu truyền. Giữa lúc nguy nan, cụ Nhạc xuất thần ngâm 8 chữ vàng:

皮鍋煑肉, 弟心何忍 (bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn?), dịch nghĩa là “Nồi da xáo thịt, em nhẫn tâm sao?”


Lần này thay vì nồi chè đậu là một xoong thịt được làm bằng da.


Vùng Bình Định xưa khi săn được thú nếu không tiện có nồi niêu họ lột da con vật thay nồi để nấu. Nay Bình Định vẫn còn câu ca dao:


"Da nai mà nấu thịt nai, Việc đời như thế không ai động lòng. Thịt nai mà chín bên trong, Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì".


Anh em họ Nguyễn thu lại can qua cũng là bởi tình huynh đệ, tính đồng bào.


“Đồng bào” 同胞 nghĩa là "được sinh ra cùng (同) một bọc (胞)". Chữ "bào" 胞 này gồm bộ “nhục” (⺼/肉) diễn ý là “thịt” và chữ “bao” 包 (bọc, gói ghém) chỉ thanh. Cái bọc bằng thịt này chính là tử cung 子宮 - nơi người mẹ hoài thai 懷胎. “Bào” này cũng chính là “bào thai” 胞胎, "bào huynh đệ" 胞兄弟 (anh em ruột), "bào tỉ muội" 胞姊妹 (chị em ruột). Vậy, "đồng bào" nguyên nghĩa ý chỉ những người được sinh từ một mẹ, những người chung máu mủ, ruột rà. Về sau, đồng bào còn chỉ những người chung huyết tộc, giòng dõi và mở rộng dần chỉ những người chung một quốc gia. Sau nữa “bào” 胞 còn bao gồm cả những người không chung quốc tịch, không cùng quốc gia nhưng chung gốc gác. "Kiều bào" 僑胞 tức là "người đồng bào ở nhờ (僑 - kiều) nơi đất khách".


“Trăm trứng nở trăm con” – dã sử về nguồn gốc Bách Việt chính là diễn ý “đồng bào” này vậy. Ở Tây Nguyên quê mình, để gọi các dân tộc anh em thường cũng dùng "đồng bào" - nghe thân thương còn người ta thì rất "ưng cái bụng".


Trong tiếng Anh, để chỉ anh, chị em ruột thịt người ta dùng “sib” hoặc “sibling”. Hai từ này ý chỉ những người cùng chung máu mủ (same-bloodedness). Mở rộng hơn là những người cùng huyết thống (to have kinship, to have affinity). Họ không dùng ý niệm đồng bào nhưng họ có từ để chỉ những người chung quốc gia (compatriot), những người cùng chí hướng (comrade), người đồng hành (companion), người cùng mối quan tâm (mate), và từ dùng chung nhất cho những ý trên là "fellow". Cũng từ "fellow" họ có từ gần nhất với ý niệm đồng bào là "fellow countrymen".


Abraham Lincoln trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của mình năm 1865 đã viết:


“Fellow countrymen: at this second appearing to take the oath of the presidential office there is less occasion for an extended address than there was at the first”.

(Tạm dịch: “Đồng bào của tôi ơi, ở lần tuyên thệ nhậm chức tổng thống lần thứ hai này sẽ không có nhiều dịp để mở rộng so với bài diễn văn ở lần đầu tiên).


Cũng tiếng Anh ta có từ “black sheep” để chỉ một con cừu lông đen. Lông cừu màu đen thì khó nhuộm trắng mà cũng chẳng đáng giá bao nhiêu trên thị trường. “Black sheep” từ đó dùng ám chỉ một thành viên trong gia đình thường gây ra những mối lo, sự xấu hổ cho gia đình bởi tính dị biệt và hành vi lệch chuẩn của mình. Vậy là, tuy cùng bào thai – là đồng bào - nhưng không phải ai cũng giống ai.


Xã hội cũng vậy. Thời nào, lúc nào cũng có một hoặc một nhóm người hành xử khó coi. Cừu vốn sinh ra không tự quyết định được màu lông nhưng hành vi của con người thì khác bởi họ luôn có lựa chọn cho mỗi việc mình làm.


May mắn là phần nhiều còn lại đồng bào, dù ngay lúc dịch dã lao đao, vẫn hướng thiện và bằng cách này hay cách khác giúp đỡ những người nguy khó hơn. Họ chứng minh số ít kia chỉ là hiện tượng chứ không là bản chất. Họ là những người làm ấm lòng và giúp vang xa hai tiếng “đồng bào”.


"Ráng lên nha vì đồng bào ở Sài Gòn có người rất cần" (Tuổi Trẻ Online).



Bác Hồ, lúc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, từng trìu mến hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Mình viết bài này, đồng bào đọc thấy có dễ hiểu không?




Nguồn tham khảo:

Truyền thuyết "Trăm trứng nở trăm con". Ảnh từ Internet.

5 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2021 by Lam Nguyen. Powered by Wix.com

bottom of page