top of page

TRỌC/TRẠC (濁)

Updated: Nov 25, 2022

Mình viết bài này lấy cảm hứng từ một bài đăng trên Facebook anh Phan Hải. Hải huynh chia sẻ bài viếtTrọc phútừ một diễn đàn về luật. Mình không có nhu cầu tranh luận hay phản biện tác giả bài viết gốc vì “cào phím” tranh luận với người dưng là dại nhất trên đời. Mình viết chỉ để trao đổi thêm cùng anh Phan Hải vì anh ấy và mình chung sở thích về chữ, nghĩa cũng như cùng đau đáu ở mảng “nội dung SẠCH”.


Ở bài viết này, mình chỉ tập trung nói về đoạn trích từ bài đã dẫn như dưới đây


“Trọc phú” trong tiếng Hoa là “濁富” (phiên âm zhuó fù). Chữ “trọc” (濁) được ghép từ bộ thủy (水) và thục (蜀).


Hình dáng ban đầu của chữ thục là 𦉶, mô tả một con sâu với hai mắt ở trên và thân người uốn cong bên dưới. Về sau nó được thêm vào chữ “trùng” (虫), càng nhấn mạnh ý sâu bọ.

Kết hợp lại, chữ “trọc” (濁), hay còn được đọc là “trạc”, chỉ những con sâu sinh ra và lớn lên trong các đầm lầy. Từ đó, nó được dùng để chỉ những thứ dơ bẩn, không trong sạch”


vì theo mình hiểu và tra cứu thì cần xét lại tính chính xác của nội dung trên.


Trong tiếng Trung, chữ “trọc” có tự dạng là 濁 và đây là một chữ hình thanh tạo nên bởi bộ “Thủy” (水) và chữ “Thục” ()。Một trong các nghĩa của chữ này, theo như Quốc ngữ Tự điển, là: “bất thanh khiết”, “ô trọc”, “hỗn trọc bất thanh” – tất cả đều chỉ chung ý: dơ bẩn, không trong, không sạch.

(Ảnh 1, chụp ở đây)


Chữ Hán (tạo bởi phương pháp) Hình thanh (còn gọi là Hài thanh, Tượng thanh) là loại chữ gồm một bộ phận chỉ nghĩa, bộ phận còn lại chỉ thanh (tức âm/cách đọc). Nghĩa của những chữ tạo thành theo phương pháp này được phân thành 8 cách khác nhau (xem thêm ở đây). Với chữ “trọc” (濁) đang xét, theo sách Thuyết văn giải tự do Hứa Thận biên soạn thì chữ này thuộc về cách ghép “nghĩa bên trái, thanh bên phải”, tức bộ “Thủy” chỉ nghĩa, còn chữ “Thục” chỉ âm đọc.

(Ảnh 2, chụp từ đây).


Theo như nội dung ảnh trên, “Trọc” (濁) được diễn giải: “Thủy. Xuất Tề quận Lệ Qui sơn, đông bắc nhập Cự Định. Tòng “thủy” “thục” thanh. Trực giác/giốc thiết”.

(Lược dịch: Dòng nước. Khởi nguồn từ núi Lệ Qui thuộc huyện Tề, đổ vào hồ Cự Định ở đông bắc. Do “thủy” mà có, âm đọc như âm “Thục”. Phụ âm đầu là “Tr” (trong từ “Trực”) ghép với vần “ác/ốc” của từ “giác/giốc”).


Vậy, chữ “trọc” (濁) là để chỉ một dòng nước mà “lai lịch” của dòng nước này là từ núi Qui Sơn thuộc huyện Tề chảy về phía Đông Bắc rồi đổ vào hồ Cự Định. Dòng nước này chỉ có thể là dòng sông vì lưu chuyển một cự ly dài qua các địa danh kể trên thì chỉ có sông mới phù hợp. Các địa danh vừa kể đều là địa danh cũ ở Trung Quốc, trước cả thời Tam quốc phân tranh, dấu vết đã nhạt nhòa. Đặc biệt, hồ Cự Định đã cạn khô từ thuở nào. Nhưng nếu truy theo địa danh hồ Cự Định chúng ta có thông tin sau:


古湖名。即今山東廣饒東北清水泊的前身。漢時為一大湖,淄水、時水、女水、濁水洋水等皆匯於此,北出為馬車瀆,東北流入海。漢武帝時曾在此穿渠引水灌田。北魏時面積尚廣,後因上游諸水改道,逐漸淤塞

(Lược dịch: Tên hồ cổ. Nó là tiền thân của Thanh Thủy Bạc (清水泊) ở phía đông bắc của Quảng Nhiêu, tỉnh Sơn Đông. Vào thời nhà Hán, nó là một cái hồ lớn, nơi Tri Thủy, Thời Thủy, Nữ Thủy, Trọc/Trạc Thủy và Dương Thủy hội tụ. Đây cũng là nơi Ngô Hoàng đế của nhà Hán trữ và dẫn nước để tưới cho các cánh đồng vùng này. Vào thời Bắc Ngụy, địa bàn còn rộng, về sau do dòng nước thượng nguồn chuyển hướng nên phù sa dần bồi lên và khô cạn.

(Nguồn dẫn ở đây).


Cần lưu ý thêm một điều, “Thủy” (水) không chỉ có nghĩa là nước mà còn để chỉ sông (dùng như “hà”, “giang”…). Những tên sông ở trên đều dùng chữ “thủy” là vậy.


Do đó, xét về nguồn gốc để tạo chữ (Trọc/Trạc Thủy = sông Trọc/Trạc) và phương pháp tạo nên chữ (Hình thanh) thì “trọc” (濁) trước là tên một con sông, sau dùng để chỉ sự dơ bẩn, không sạch. Tuy không có (thật ra chưa tìm được) cơ sở nào nói sông Trọc/Trạc dơ bẩn nhưng với cách người Trung Quốc mượn danh từ riêng chỉ sự chung thì suy luận trên không hẳn là không có căn nguyên. Ví dụ: Mạnh Thường Quân thành "mạnh thường quân", Hằng Hà sa số thành "hằng (hà) số"…


Trở lại bài viết đã dẫn, về chữ “Thục”(蜀), tác giả viết: “Hình dáng ban đầu của chữ thục là 𦉶, mô tả một con sâu với hai mắt ở trên và thân người uốn cong bên dưới. Về sau nó được thêm vào chữ “trùng” (虫), càng nhấn mạnh ý sâu bọ”; tác giả còn cẩn thận tìm nguồn minh họa cho “con sâu có mắt và thân dưới uốn cong” bằng chữ tượng hình như này:

(Ảnh 3, chụp từ Facebook Hải huynh)


Cá nhân mình nghĩ người viết quả là liều.


Chữ “Thục” (蜀) vốn có lịch sử hình thành qua các thời kỳ như ảnh dưới đây:

(Ảnh 4, nguồn ở đây).


Từ trái sang phải lần lượt là tự dạng của “Thục” (蜀) viết theo kiểu Giáp cốt văn thời nhà Thương (1766-1122 TCN) đến kiểu Kim văn thời Tây Chu (440-256 TCN), kiểu Tiểu triện như Thuyết văn giải tự (thời Hán, 202 TCN – 220 SCN), cuối cùng là như một trong sáu kiểu thuộc Lục thư dưới triều Minh (1368-1644 SCN).


Theo đó, dù được viết bởi kiểu chữ gì đi nữa thì “Thục” (蜀) không phải là “con sâu” (và không mang ý nghĩa là sâu mọt) như tác giả hình dung từ tự dạng. Kỳ thực, “Thục” (蜀) là một chữ Hội ý – tức chữ được ghép lại bởi nhiều chữ khác nhau, mỗi chữ chỉ một ý riêng, khi ghép lại sẽ cho nghĩa mới của chữ được tạo thành. “Thục” (蜀) được ghép bởi chữ “Mục” (目) tức con mắt, chữ “Nhân” (人) tức con người và chữ “Trùng” (虫) tức con sâu/con ngài/con nhộng. Những người tạo chữ “Thục” (蜀) muốn gởi vào chữ này ý nghĩa lịch sử và cả đặc trưng văn hóa của một địa danh. Vậy nên họ chọn con mắt, con người, và sau đó là con nhộng/tằm để tạo nên chữ này. Vì sao lại là “mắt”, “người” và “con tằm”?


Nguyên do là cả 3 chữ trên để dẫn về một địa danh được gọi là đất Cổ Thục (古蜀), một quốc gia cổ thuộc bồn địa Tứ Xuyên, Trung Hoa. Vùng đất Thục (sau này cũng chính là Thục Hán 蜀漢 thời Tam quốc) vốn nổi danh bởi nghề trồng dâu, nuôi tằm [đây chính là lý do chữ “Trùng” (虫) – chỉ con tằm - được thêm vào thời Tây Chu; xem ảnh 4, chữ thứ 2 từ trái sang]. Sự hình thành nước Thục cổ gắn liền với huyền thoại về Tàm Tùng (蠶叢), người sáng lập nên Cổ Thục. Tương truyền, Tàm Tùng là người có đôi mắt to lớn dị thường và là người phát triển nghề nuôi tằm ở vùng đất này. Ông được tôn là vua lập nên Cổ Thục. Chữ “Thục” (蜀), ghép bởi “mắt”, “người” và “con tằm” diễn ý vùng đất nơi có một người với đôi mắt dị thường chuyên nghề nuôi tằm.


Huyền thoại về Tàm Tùng, sau này được củng cố để thành dã sử nhờ vào một bức tượng đồng khai quật ở Tam Tinh Đồi (三星堆) thuộc thành phố Quảng Hán, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bức tượng với đôi mắt to lớn dị thường, đào được ở Tứ Xuyên - nơi huyền thoại được sinh ra - chính là sợi dây liên kết các dữ kiện và sử liệu với nhau. Đây là ảnh bức tượng và nguồn dẫn về di chỉ Tam Tinh Đồi.

(Ảnh 5, tượng Tàm Tùng 蠶叢 – nguồn: bike.baidu.com)


Vậy thì, “trọc” (濁) ý chỉ sự không trong sạch và dơ bẩn là chữ hình thanh, mượn dòng sông Trọc/Trạc chỉ ý và có âm đọc là “thục” (蜀) chứ không hề mang ý nghĩa như này: Kết hợp lại, chữ “trọc” (濁), hay còn được đọc là “trạc”, chỉ những con sâu sinh ra và lớn lên trong các đầm lầy. Từ đó, nó được dùng để chỉ những thứ dơ bẩn, không trong sạch”.


1/10/2022.

Lâm Nguyễn.

Nguồn tham khảo: đã dẫn trong bài.

46 views1 comment

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2021 by Lam Nguyen. Powered by Wix.com

bottom of page