top of page

Chữ "THỤ"

Trong tiếng Hoa “Thụ” có nhiều tự dạng,


"Thụ" là "cây" (树), là “nhận” (受), là “cho” (授) Cũng có khi là “tưới” (澍) hoặc “trồng” (树) Lại có lúc “trao truyền”, “dạy bảo” (授) “Giáo thụ” (教 授) xưa là để chỉ Thầy.


Trong tập Quản Tử, Quản Trọng từng viết “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân” đại ý: “sinh kế một năm chi bằng trồng lúa; sinh kế mười năm, chi bằng trồng cây; sinh kế cả đời chi bằng trồng người”.

Bác Hồ, khi phát biểu tại “Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc” ngày 13/09/1958, đã vận dụng ý này và Người để lại cho ta những lời bất hủ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.


Đương giáo thụ, yếu thụ nhân” (当 教 授 要 树 人). Làm thầy ẩn ý là để trồng người.


Trong tiếng Anh, từ “trồng” đối dịch là “cultivate” còn “giáo”, “dạy” cho ta từ “educate” hoặc “teach”. Thú vị là, người ta có thể dùng thay thế lẫn nhau (interchangeable) giữa “cultivate” và “educate” khi muốn nói về “dưỡng nuôi” (to nurture) hoặc “ươm mầm”, “chăm bẵm” (to bring up).


To cultivate is to educate. Giáo dục là phải vun trồng.


“Vun trồng” (cultivate), tinh tế thay, được mượn để diễn thành “Văn hóa” (culture). Marcus Cicero - triết gia, nhà hùng biện người La Mã cổ đại - mượn hình ảnh làm đất để gieo hạt (till the land in preparation for the crops) từ việc làm nông ẩn dụ cho sự “nuôi dưỡng tâm hồn” (cultivation of the soul). Cũng hợp lý thôi bởi văn hóa đòi hỏi sự “chăm bẵm” (care) và văn hóa cũng “đề cao sự trao truyền kiến thức” (honoring passed down knowledge). Hạt mầm được gieo mang trong mình ước vọng của tương lai.


Mình xưa nay hay nhặt nhạnh, hỏi han từ người này, người nọ. Những người mình thụ giáo qua, dù trên lớp hay ở trường đời, đều xứng đáng gọi Thầy. Mình được chỉ dẫn tận tình và dạy bảo hẳn hoi, đấy là những cái ân khó trả. Có điều, mình luôn nghĩ, thụ ân không phải là chỉ báo ân với ân nhân của mình, mà truyền tiếp cái ân ấy đến những người sau để ân mình nhận trở thành di sản cũng là cách tri ân những người từng đã giúp mình. Nay chập chững dạy kèm mình càng thấy sự trồng người, sự trao truyền mới giá trị làm sao.


"Thụ" là "trồng" (树), là "nhận" (受), là "trao" (授).



Ảnh từ Internet.

5 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2021 by Lam Nguyen. Powered by Wix.com

bottom of page