top of page

BẢN LĨNH.

Updated: Feb 28, 2022


Tiêu đề một bài viết trên The Guardian bình luận kết quả trận chung kết Euro 2020, nơi mà Tam Sư vấp ngã ngay ngưỡng cửa thiên đường.


Cũng trên The Guardian, ở một bài viết khác ngay sau đó, Gareth Southgate - huấn luyện viên trưởng tuyển Anh - nhận trách nhiệm cho thất bại này bởi sai lầm trong việc chọn nhân sự cho loạt sút luân lưu định mệnh.



Southgate là họ của người Anh xuất phát từ vùng Middlesex cũ, nay thuộc Bắc London. Southgate ghép bởi “gate” và “south” ý chỉ "the gate at the south" (lối vào từ phía Nam). Ngưỡng cửa thiên đường là nói đến “Nam Thiên Môn南天門 – cổng trời phía Nam - mà nếu xem phim Tây Du Ký hay đọc thần thoại Trung Hoa các bạn sẽ biết về cái cổng danh tiếng này.


Thành bởi Southgate, vấp ngã ở South Gate.


Southgate nhận trách nhiệm, đấy là khí độ và bản lĩnh người đứng đầu. Nhưng cá nhân mình nghĩ huấn luyện viên không phải là cốt lõi của vấn đề. Mình từng yêu bóng đá Anh và mình nghĩ mấu chốt là ở mấy chú sư tử con. Dẫu đã 25 năm (từ Euro 1996), qua nhiều thế hệ, họ vẫn mãi mang nơi mình trái tim chuột nhắt trong dáng hình sư tử oai phong mỗi khi đối diện với loạt luân lưu (penalty shootout) cân não. Xa hơn nữa, kể từ sau năm 1966, Anh luôn bước vào các giải đấu lớn với bộ lông mãnh sư chải chuốt rồi lại lút cút ra về với dáng điệu “ướt như chuột lội” (as wet as a drowned rat) – nhàu nhĩ, co ro.


Trách nhiệm ở huấn luyện viên, nhưng bản lĩnh tất phải nằm nơi cầu thủ.


“Bản lĩnh” 本 领 theo tự dạng ở đây nghĩa là “cái lĩnh (领) của mỗi người” (本). Trước khi động thủ, Tôn Ngộ Không hay dọa “Xem bản lĩnh của ta đây” [tiếng Trung: 看 我 的 本 领 (Kàn wǒ de běnlǐng) dịch nghĩa đen là “Xem cổ áo của ta đây”]. Sao lại xem cổ áo? Thỉnh kinh vất vả, lộ trình gian nan nên mồ hôi thấm cổ hay bụi ghét đóng nhiều?


được ghép bởi chữ “hiệt” “đầu” (head, lead) chỉ nghĩa và chữ “linh/lịnh” (to order, to command) chỉ thanh. Chữ 领 này nguyên để nói về cái cổ áo của ai đó. Sau buổi hồng hoang (pre-history) ăn lông ở lỗ đến khi con người thạo việc nuôi tằm (sericulture), dệt lụa (weaving) thì phục trang (clothing, dress, attire) là một trong những chỉ dấu phân tầng giai cấp (caste) hoặc cách biệt giàu, nghèo.


Quan lại (mandarin) Trung Hoa xưa thường nuôi người ăn, kẻ ở trong phủ và những người này được cấp áo với cổ áo có màu khác nhau theo thứ bậc hoặc công việc họ đảm nhận. Người ngoài đến phủ thăm chỉ cần nhìn cổ áo sẽ biết vị trí cũng như công việc họ làm. Màu cổ áo từ đó đại biểu cho nhiệm vụ họ chuyên trách và với mỗi nhiệm vụ sẽ đi kèm với khả năng, năng lực cần có của người đó. Từ đây, 本领 "cổ áo” chính là chỉ năng lực (capability, competence), khả năng (ability, skills, talent) của một người. “Xem bản lĩnh của ta đây” tức: nhìn vào cổ áo tôi đi anh sẽ biết năng lực tôi thế nào, khả năng tôi có thể làm gì và từ đó anh tự biết tôi và anh tương quan ra sao. Cổ áo ngày xưa không phải ngắn như giờ, nó là dải dài chạy theo tà (panel) hoặc vạt áo. Việt phục nước mình có “áo giao lĩnh” 交領衣 tức loại áo mà cổ giao chéo (cross-collared robe) nhau. “Lĩnh” từ hình ảnh cổ áo còn được mượn để chỉ chất liệu dệt nên nó mà ta có “quần lĩnh” - loại quần được dệt từ lụa. “Vải lĩnh” chính là từ chỉ vải lụa.


Ngày nay, trong tiếng Anh và môi trường lao động phương Tây ta thường gặp một loạt các từ chỉ nghề nghiệp thông qua màu cổ áo (jobs classified by the color of someone’s collar).


- Blue-collar worker: lao động phổ thông cổ áo xanh dương, - White-collar worker: lao động trí óc, nhân viên văn phòng áo cổ cồn trắng, - Gold-collar worker: lao động bậc cao đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và thường đảm nhiệm vị trí lãnh đạo hoặc đóng vai trò quan trọng ở nơi mình công tác, - Gray-collar worker: lao động chân tay kết hợp trí óc như vệ sĩ, chăm sóc sức khỏe, lính cứu hỏa - "cổ nâu", - Green-collar worker: lao động trong ngành môi trường hoặc gắn với thiên nhiên, phát triển bền vững, - Orange-collar worker: lao động là các tù nhân làm việc công ích trong tù, - Red-collar worker: quan chức chính phủ bởi được phái sinh từ red-tape (hồ sơ quấn băng đỏ – hàm ý chỉ sự quan liêu - bureaucracy).


领 ngoài âm “lĩnh” tiếng Hán Việt còn có âm khác là “lãnh” trong “lãnh đạo” (leader, commander), “lãnh nhận” (to receive, to accept) và đồng thời cũng có sự phái sinh nghĩa ở đây. Bởi như đã nói, ở “lĩnh/lãnh” có “hiệt” 頁 tức “đầu” chỉ sự đứng mũi, chịu sào. “Lãnh tụ” 領 袖 vốn là cổ và tay áo (collar and sleeves), 2 nơi thường vấy bẩn nhiều nhất ở một cái áo, vậy nên khi cần giũ, cần giặt, người ta cần phải giũ, phải chải 2 nơi ấy trước tiên. Đến đây chắc nhiều bạn sẽ vỗ đùi: “Đúng! Lãnh tụ cần phải sạch trước tiên” ?! Từ ý niệm đó, “Lãnh tụ” 領 袖 tức là phải đi đầu, đứng đầu, làm gương (to set an example) – trong mọi sự. Từ “lãnh tụ” sau còn có thêm “lãnh đạo领 导 tức người dẫn lối, chỉ đường, hay “thống lãnh/lĩnh” người nắm giữ quyền bính trong tay. Là gì cũng được, miễn đã nhận là "lãnh" 領 thì nhất định phải nêu gương, như cách Southgate đương đầu (to cope with, to deal with) khi đội bóng phải thua.

Với sắc màu nơi cổ áo, còn nhiều những màu cổ áo khác vẫn đang được bổ sung bởi nhiều ngành, nghề mới đang được hình thành, nhất là ở gian đoạn “bình thường mới” - the new normal. Riêng mình thì muốn kết bài viết này bởi một từ nữa "open-collared worker" (dân cổ hở) ý chỉ những người làm việc ở nhà (to work from home). Đây cũng là một loại bản lĩnh mà nếu không vững lập trường và kiên định e là sẽ rất bê tha.


Ảnh: "Áo giao lĩnh" 交領衣 mượn từ mục "Giao lĩnh" trên Wikipedia.



Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2021 by Lam Nguyen. Powered by Wix.com

bottom of page